Câu chuyện đình chùa

Doduc
Đình xưa chùa xưa
Xưa nay, dân gian thường vắn tắt: Đình vua, chùa dân. Nghĩa là đình nằm trong thiết chế nhà nước quản lý. Còn chùa là do dân vận động quyên góp xây lên thờ phật thuộc về dân. Chùa làng thờ Phật, một tôn giáo xuyên lục địa như Ki Tô, tin lành v v…
Trước hết nói chuyện Đình
Đình thuộc quốc gia, cho nên mỗi một đời vua lên lại cho củ soát lại toàn bộ đình làng trong lãnh thổ và sắc phong lại, xác nhận ngôi đình và vị trí thành hoàng làng để yên dân. Cho đến nay nhiều ngôi đình cổ còn giữ lại được rất nhiều sắc phong qua các đời vua chúa.
Thành hoàng là người có công lập ấp dạy nghề hoặc là thần linh hiển thánh che chở cho dân. Tóm lại hiểu đơn giản là người cha tinh thần của làng. Đình chính là cuốn sử sống của làng. Ngọc phả của đình ghi hết nguồn gốc Thành hoàng và nguồn gốc làng. Xưa một tổng nhiều thôn, mỗi thôn đều có một đình và gốc gác của thôn đều được ghi rõ như một hình thức gia phả dòng họ. Quê tôi tổng Nành có 9 thôn thì có 9 đình thờ thành hoàng. Ví dụ thôn này Thành hoàng là người dạy nghề thuốc chữa bệnh. Làng kia Thành hoàng là một ông tướng đánh trận hoặc người mở ấp lập làng v.v…
Đình làng là nơi họp bàn phổ biến luật lệ vua ban, xử kiện tụng tranh chấp dân sự, gọi là “việc làng”. Việc xử được thực thi trước sân đình, trước mặt thành hoàng làng, coi như có âm có dương chứng kiến. Lệnh quan phủ sức về thì cũng được truyền đạt từ đình do Lý trưởng sai mõ đi rao…
“Phép Vua thua lệ làng”, nghe có vẻ dân chống lại luật pháp vua ban? Nhưng không phải! Thời phong kiến nước ta đã từng xuất hiện một xã hội dân sự có dân chủ. Làng xã có quyền tự quyết một số việc theo lệ làng và hương ước thống nhất thành văn bản, miễn là không trái lệnh vua, chống lại vua! Hương ước lập ra trên sự thỏa thuận bàn bạc của các bậc huynh trưởng và chức sắc trong làng thành thứ luật lệ chỉ thực thi trong giới hạn hẹp có sự thỏa thuận thống nhất của dân trong làng xã. Thật quá văn minh!
Bây giờ thiết chế nhà nước xã có Ủy ban là nơi công quyền xử lý mọi việc theo luật pháp thống nhất trên toàn lãnh thổ. Như vậy đình mất chức năng “việc làng”, mà chỉ còn trách nhiệm thờ cúng thành hoàng thôi. Vai trò đình mất đi một nửa. Đình làng bây giờ thành ra không còn nằm trong thiết chế nhà nước nữa, nó trở nên chung chiêng và dân lại tự quản. Thủ từ đình vẫn do dân làng chọn hàng năm, chính quyền không cần can thiệp. Còn việc sắc phong cho đình được thay bằng việc “công nhận di tích lịch sử hoặc di tích văn hóa” do bộ “ lễ”, tức là Bộ Văn hóa quyết định. Trước đây là Chủ tịch nước (vua), vị trí cao hơn nhiều vì vai trò đình khi ấy rất quan trọng.
Vai trò đình thế là biến đổi cơ bản, vị trí dân sự mất hẳn đi! phần nạc, thực thi pháp luật tách ra thuộc nhà nước, phần mỡ, tín ngưỡng bỏ lại cho dân.
Tiếp đến nói chuyện Chùa

Tục truyền làng tôi,chùa Nành là do Khâu Đà la, Ngài từ Tây Trúc sang truyền bá đạo phật và vận động quyên góp tiền xây chùa. Chùa thờ Phật. Nếu xưa việc đình chỉ có đàn ông được đến, đàn bà đứng ngoài thì chùa lại là nơi cho đàn bà lễ Phật, đàn ông ai không đi chùa.
Chùa làng xưa xây lên do nguyện vọng của dân, tiền dân quyên góp, sư được dân đón về trụ trì. Làng cấp đất cho nhà chùa cày cấy, và đất vườn trồng rau. Nhà chùa cũng tự làm lấy hạt gạo ăn, biết làm tương làm đậu và biết lấy lá thuốc chữa bệnh cho dân. Sư cai quản chùa, cửa chùa mở tất cả các ngày để dân vào lễ. Tiền lễ của tín đồ cúng quả thì nhà chùa giữ hộ làng để dùng tu bổ chùa khi cần thiết. Sư mà phạm giới luật hư hỏng thì làng đuổi đi đón sư khác. Nhà nước phong kiến coi chùa là một giang sơn khác, không đụng đến. Nên mới có chuyện kẻ vô tình đụng tay giết người chạy đến nhà chùa buông dao xuống tóc đi tu thì không bị truy cứu nữa. Pháp luật đứng ngoài sân chùa!
Cho nên trước đây có hai loại người không nằm trong sổ đinh của làng xã là sư tu ở chùa và mõ làng. Mõ làng là người trôi dạt được làng cho lưu trú cấp đất ở và phục dịch hương lý và cỗ bàn mỗi khi có “việc làng”. Họ không nằm trong sổ đinh, không trong vòng kiểm soát của chính quyền.
Chỉ có thời nay, sự phát triển ở cấp độ mới thì chùa lại nằm trong sự quản lý của chính quyền, cài cắm cắt cử vị chủ trì, tiền công đức cho chùa thành tài sản của chùa. Dân không còn có quyền lựa chọn người trụ trì như xưa. Bây giờ lại xuất hiện chùa tư do tập đoàn này nọ như Xuân Trường thầu xây Bái Đính… Bây giờ sư sống vương giả bằng tiền cúng rường,sư không biết cày ruộng làm tương làm đậu, đi xe sang, dùng đồ xịn, và xuất hiện làm tiền bằng dâng sao giải hạn, cái mà chỉ có ở đạo Giáo ( Đạo thánh) có giá cả và tính lỗ lãi.
Đó là sự trái ngược hoàn toàn với ban đầu về vị thế nhà chùa.
Hôm mới đây về ăn cưới ở quê, chú em họ tôi kể một vị quan chức nghỉ hưu ở Bắc Giang, nhà có việc mời sư về làm lễ cúng chay giải hạn, giá tiền công là ba mươi triệu chưa kể đồ lễ cho vị sư đó mang về.
Chùa mới bây giờ sư mất hẳn căn cốt chuẩn mực của Phật giáo.
Phật dạy Phật tử : Giới- Định -Huệ .Giới là buông bỏ tất cả,ngay cả tên cha mẹ đặt cho cũng không giữ. Định là đả tọa thực tu: đọc kinh niệm Phật hiệu cả ngày. Huệ là khai ngộ đắc đạo Niết bàn. Xem ra bây giờ không sư nào theo được . Nhưng họ vẫn ngồi rao giảng thuyết pháp như đúng rồi.
Vậy đó, khi chùa thuộc về làng xã quản lý thì khác, khi thuộc nhà nước quản thì gần như biến đổi hoàn toàn về chất.
Nói vậy nhưng vẫn còn nhiều chùa nhỏ vẫn giữ tính nghiêm cẩn của chùa xưa, cũng không phải chùa nào cũng làm ăn kinh tế. Bây giờ lại xuất hiện thuật ngữ chùa này thiêng, chùa kia không! kể cũng là chuyện lạ
Câu nói : Chủ trì Chùa Phúc Khánh, sư Quyết: “Thu 150 nghìn giải hạn là thầy đã lỗ chỏng vó rồi” thì coi như đó là thừa nhận sự kinh doanh của nhà chùa. Đạo phật và chùa đã diễn biến và chuyển hóa sang một hình thức mới hoàn toàn, mất hẳn bản chất tôn nghiêm bác ái của đạo Phât.
Chùa giờ đây là vậy, nhiều chùa đã quay sang kinh doanh!
26/2/2019