Hoa văn thổ cẩm, bi kí của tổ tiên

Đỗ Đức

Tại sao chiếc khăn trên đầu người phụ nữ Dao Tiền Cao Bằng có màu trắng. Tại sao trong y phục của người Dao có hình thêu “tua chồ” (con chó). Tại sao phụ nữ Thanh Y ở Quảng Ninh lại mặc quần đùi ngắn. Tại sao vạt áo người Pu Péo lại ghép hoa văn bằng những vụn vải nhỏ. Màu sắc và hình thêu là ngẫu nhiên hay có ngọn nguồn nào khác…
Đã có những câu chuyện, những truyền thuyết nằm sau nó… Rõ ràng ở đây không có chuyện vu vơ, ngẫu nhiên mà mỗi nét hoa văn người phụ nữ dân tộc miền núi đưa lên vải để may lên khăn, áo, váy đều là sự nối tiếp nỗi niềm gửi gắm của cha ông họ từ ngàn xưa. Rồi các thế hệ sau sáng tạo thêm và hoàn thiện dần theo nếp sống và tập tục của mình do hoàn cảnh sống tạo nên và đã để lại cho ngày nay một quỹ hoa văn vô cùng phong phú của từng sắc tộc(intro)

Ai đã từng tiếp cận với hoa văn trên khăn, váy, áo của các dân tộc đều có thể phân biệt được đâu là hoa văn của người Mông, người Dao, người Mường, người Pu Péo, người Phù Lá, hay Gia Rai, Ê Đê, Kơ Tu, Mnông… Cái giống nhau là ở những sợi chỉ màu, còn cái khác là ở tạo hình theo ý tưởng riêng biệt của từng dân tộc, tạo ra những mô típ mang tính đặc trưng chứa đựng nỗi niềm tâm sự, lòng tự hào và sự thành kính với truyền thống của dân tộc mình. Hãy nghe bà Vi Thị Bền kể: người Lào thích dệt hoa văn hình con voi, hình voi có người cưỡi. Chuyện rằng xưa có người con gái đi làm nương, gặp lúc khát chị đã vốc nước trên vũng nhỏ mang hình dấu chân voi để uống. Về nhà chị mang thai và sinh được một bé trai kháu khỉnh. Khi bé lớn lên, trẻ con trong bản không chịu chơi cùng và nhạo báng cậu là đứa không bố. Cậu đã khóc và giữa lúc buồn tủi thì được mẹ chỉ đường vào rừng tìm bố. Cậu đã gặp voi. Cậu hỏi voi có phải bố mình, thì được voi trả lời:” nếu là con ta thì phải trèo qua được vòi, bước lên đầu và cưỡi được lên lưng ta”. Cậu bé đã làm được. Việc ấy chứng tỏ cậu là con của voi. Người Lào dệt hoa văn hình voi là kể lại một truyền thuyết cổ xưa và nhắc người đi rừng không nên uống nước ở những vũng nhỏ. Có ai tin được truyền thuyết đó không? Nhưng người Lào Tây Bắc đã giải thích các đường dệt hoa văn hình voi trên nền truyền thuyết vừa ngây thơ vừa đăm đắm sự hồn nhiên như vậy. Chắc rằng khi nhìn hoa văn hình voi dệt trên thổ cẩm, không người phụ nữ nào lại không mỉm cười nhớ lại chuyện người con gái uống nước ở vũng chân voi.

Họ Lường của dân tộc Lào lại kiêng con hổ. Chị Lò Thị Biên, một phụ nữ Lào Lai Châu bảo: nếu ai giết hổ sẽ khổ ba đời. Thấy hổ chết thì phải lấy vải trắng phủ lên và khóc than thương tiếc . Họ Lường dệt hình con hổ lên hoa văn cho nhớ. Người họ khác cũng dệt hình con hổ để nhắc con cháu có ai lấy người họ Lường thì phải biết để mà kiêng kỵ. Vậy hổ được coi như là tô-tem của người họ Lường. Đó là sự biểu lộ của lòng thành kính với vật tổ trong tín ngưỡng cổ xưa. Ngày nay con cháu cứ theo truyền thống đó mà ứng xử.

Cũng như thế, hoa văn hình rắn quấn nhau lại được lý giải trong một ý niệm tín ngưỡng phồn thực :”ai may mắn mới thấy đôi rắn quấn nhau. Nếu thấy thì cởi áo ra và ném vào đôi rắn. Đợi chúng bỏ đi thì lấy áo về đem cất vào hòm.
Khi nào con cháu trong nhà đến tuổi tìm vợ cho mặc áo này, sẽ lấy được người mình yêu, vợ chồng sau này sẽ hạnh phúc. Người đi ra ngoài buôn bán mang áo này theo cũng sẽ rất may”, nên tấm thổ cẩm dệt hình rắn chính là sự gửi gắm ước mơ mong cho cuộc sống luôn gặp sự thăng hoa.
Con rồng cổ đỏ trên tấm váy lại đi trên một truyền thuyết nửa thực nửa hư. Đó là hậu quả của sự mâu thuẫn chị dâu, em chồng. Trong một lần xuống suối lấy nước chị nhặt được quả trứng rồng to. Vì rắp tâm muôn hại em chồng, nên một lần hai anh em đi làm nương, chị dâu luộc quả trứng rồng to và quả trứng vịt nhỏ, đưa cho em, dặn khi đói thì đưa anh ăn quả trứng nhỏ, còn em ăn quả trứng to. Nhưng người em thấy anh trai làm việc mệt lại nhường cho anh ăn quả trứng to. Nào ngờ ăn xong thấy khát anh xuống suối uống nước liền bị hoá thành rồng. Anh vội bảo em buộc dải vải đỏ vào cổ để mùa nước lũ về, anh em còn biết dấu mà nhận ra nhau. Do đó người Lào mới dệt hoa văn hình rồng cổ đỏ để nhắc cho người đời nhớ một kỷ niệm buồn.
Hình con chim trên tấm dệt của dân tộc Lào cũng xuất phát từ câu chuyện mâu thuẫn trong gia đình. Người anh cho em gái bao nhiêu thì chị dâu lại ghét bấy nhiêu. Anh muốn cho em cái gì thì chị cũng tìm cách giữ lại hoặc đòi chia phần hơn. Người em gái uất ức đi ăn lá ngón tự tử và biến thành con chim kêu suốt ngày “hơ hơ, vít vít, hơ hơ…”, tiếng Lào có nghĩa là “anh cho, chị giữ…”.
Chỉ lướt qua vài mẩu huyền thoại trên chúng ta cũng thấy được một phần lịch sử sống của con người trên mặt hoa văn. Hoa văn đâu chỉ là làm đẹp như người ta từng ngộ nhận mà nó có cả một nội hàm rộng lớn gửi gắm hồn người. Ở đó là niềm vui nỗi buồn, lời dạy bảo, quan niệm sống, tín ngưỡng và đạo đức luân lý xã hội. Nên bản chất hoa văn cũng như một thứ bia ký của tổ tiên mỗi tộc người gửi gắm lại cho con cháu đời sau chứa đựng đạo đức, lẽ sống… Chỉ không biết con cháu có đọc nổi lời nhắn gửi đó không.
Hoa văn – thổ cẩm của mỗi dân tộc quả là tinh thần và truyền thống tộc người, là một di sản văn hóa ứng xử chìm trong mỗi tầng thêu.

Mùa thu năm Quý Mùi
7.10.2003
Đỗ Đức

(*): Bài có sử dụng tư liệu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.