Tiền và kiếm tiền

Bản Khau Ca- tranh bột màu
doduc
1- Cuộc sống không cần tiền
Năm 1968 đi thực tập ở Bắc Cạn có một kỉ niệm không thể quên ở bản Khau Ca. Bản ấy nằm bên thượng nguồn sông Cầu. Tại đó, tôi từng ở trọ một gia đình người Tày, hai ông bà, 6 anh con giai, 6 nàng dâu, 18 đứa cháu, tổng cộng 26 người dưới một mái nhà sàn. Tối tối, một bên là ông bố với con út, bên kia là 5 anh con giai om xòm xúm quanh một bàn cờ tướng dưới ngọn đèn dầu tù mù . Tiếng chát chát vồ quân đối phương, tiếng mách nước ồn ào làm rung rinh cả căn nhà , nhộn nhạo một góc rừng. Lúc ấy chưa có ti vi, radio cũng rất hiếm, loa xóm thì chưa hề có, giải trí buổi tối có mỗi bàn cờ tướng.
Các nàng dâu xong bữa cơm có đến bốn năm mâm rải dài giữa nhà thì hối hả thu bát đĩa rửa , sau đó đi lật mặt đám trẻ ngủ lăn lóc khắp chỗ trên sàn nhận mặt con rồi đưa con về ngăn buồng của vợ chồng mình.
Một đại gia đình như thế là khá đặc biệt. Tôi thấy sáu cô dâu cũng đều quần áo chàm như nhau, chỉ khác già trẻ hơn nhau một tí!. Công việc ngày thường các nàng dâu được phân công từng người. Cô thì coi sóc đàn trâu, cô hái rau rừng cho bữa ăn hàng ngày, cô chăm vườn ngô và cũng có thêm vườn rau cạnh ao gần chân nhà sàn. Con giai thì có anh hàng ngày vác chài xuống sông đánh cá, người thì lên rừng chặt cây hái củi, kiếm mật ong và có khi vác súng kíp đi săn. Công việc có vẻ chuyên môn hóa cao cho mỗi thành viên trong nhà.
Ở đấy hàng tháng trời, thấy mọi sinh hoạt diễn ra bình thường, không thấy có so bì tị nạnh trong nhà. Sáu cặp vợ chồng như những con ong thợ hàng ngày mỗi người mỗi công việc như mặc định.
Cuộc sống bình dị thế, đúng là chẳng có gì để nảy sinh mâu thuẫn. Thời bao cấp, cán bộ còn có tí tem phiếu còn người dân thì chẳng có gì, sống tự cấp tự túc, đến vải cũng trông bông dệt lấy, họ tiết chế tối đa các nhu cầu. Mà cũng có biết có cần gì nhu cầu ăn mặc gì đâu mà đòi hỏi. Thấy họ rất ít đi chợ, gia đình đã tự trang bị đủ mọi thứ cho đời sống hàng ngày.
Họ cũng rất ít tiêu tiền, đồ dùng vật dụng càng bền càng tốt, sắm sanh cái mới rất ít, kể cả công cụ lao động như con dao cái hái cái cày cái bừa cũng rất ít khi hỏng. con dao thép tốt dùng dăm năm chưa phải thay… Họ sống bình dị, bình chân như vại giữa vùng thâm sơn cùng cốc. chiến tranh là tiếng ì ầm máy bay đôi lúc vọt qua bầu trời phun làn khói trắng. Không có bom rơi đạn nổ suốt thời gian miền Bắc bị Mĩ đánh phá bằng không quân.
Họ không có tiền, không thấy nói chuyện tiền. Hình như tiền đứng ngoài đời sống của họ.Trong mắt tôi, họ có cuộc sống bình yên, mức độ nào đó có thể coi là hạnh phúc. Vâng, rất hạnh phúc!
Cũng có nhiều gia đình khác nhân khẩu ít hơn nhưng cuộc sống của họ đều như thế, như cầu vật chất và tinh thần thật sự là giản đơn. Bây giờ nhiều khi người phố phường nghe nói thế nghĩ họ khổ. Đó là nghĩ hộ thôi, người ta chỉ thấy khổ khi nhu cầu không được đáp ứng. Nhưng ở đây khi người ta không có nhu cầu thì sao thấy khổ được.
Ấy cũng là thời đồng tiền vô cùng hiếm hoi và có giá trị. Xin nhắc lại lúc ấy : Lương đại học 64 đồng, lương trung cấp 45 đồng, mà một năm mấy sào đất màu trồng cà chua bắp cải su hào rau diếp đến hành hẹ , rau muống, bố mẹ tôi chỉ thu ven dành dụm được chừng bốn trăm đồng.
Thời ấy, có lần nghe cán bộ tuyên huấn rằng vàng rồi đây chỉ để làm gạch lót đường. Vì CNXH dư thừa của cải, vậy cần vàng làm gì.Dân làng chẳng ai biết đến vàng bao giờ. Đám cưới nhà gái thách đôi khong, hoặc khuyên tai cho con gái giá vài chục đồng lo cũng méo mặt. Nhưng nghe vàng đem làm gạch lót đường cũng tin là thật, lại còn cười như nắc nẻ
Không tiền nhưng cuộc sống thật hồn nhiên. Làng xóm người dân sống thật yên bình tình nghĩa.
Thời đó qua rồi, đã 42 năm! Khau Ca bây giờ chắc chắn đã đổi khác.
2- Đồng tiền đang xốc xáo núi rừng
Gần nửa thế kỉ đất nước có nhiều đổi khác.
Chưa một lần quay lại Khau Ca sau đợt thực tập ấy, nhưng cách đây mấy tuần tôi lại lên núi, qua vùng rừng Bá Thước, Thanh Hóa, ghé vào một bản Thái đen bên đường. Những ngôi nhà sàn đẹp, những hàng cột nhà cứng cỏi thẫm màu thời gian bóng lên. Bản thật đẹp dưới bóng những hàng cọ già. Nhà người Thái đen làm sát nhau nên trông ấm áp hơn bản Tày. Hỏi chuyện bác Lò văn La, người dân trong bản, ông bảo người ở đây đi nhiều lắm rồi, đến vài chục hộ đấy! Vào Nam làm ăn. Tôi bảo: trông bản này đẹp mà bác. Ruộng nương màu mỡ, nước nôi dư thừa mà sao lại bỏ đi? À, , nếu nói cái ăn thì ở đây không đói, còn thừa ăn đấy. Nhưng không biết làm gì ra tiền. Đi vào Gia Lai làm cây điều, cây tiêu mới có tiền chú ơi.
Khi đất nước có thị trường lưu thông hàng hóa và đồng tiền luân chuyển linh hoạt sẽ đẻ ra các nhu cầu tiêu dùng mà thị trường mời gọi. Bây giờ thì núi rừng bị xốc xáo lên rồi. Nhiều nơi dân di cư là để kiếm tiền chứ không đơn thuần chỉ kiếm ăn như xưa. Đất nước giờ rộn lên chuyện kiếm tiền. Xuất khẩu lao động để kiếm tiền, Nhà nước khai thác nguyên liệu thô xuất khẩu cũng là kiếm tiền, Rừng bị phá cũng là kiếm tiền, xin cho cũng là kiếm tiền và tham những cũng là cách kiếm tiền phổ biến của giới quyền lực, đám mạt hạng của xã hội trộm cắp cướp giật cũng để kiếm tiền rồi cuối cùng tội ác, giết người, đâm thuê chém mướn , tạt a xít của đàm choai mới lớn cũng là làm thuê kiếm tiền.
Kiếm tiền là sự năng động đáng khích lệ nhưng cũng phải trong sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật. Mọi thứ bây giờ vung vít làm xã hội bấn loạn vì thiếu sự kiếm soát. Không kiểm soát được thì sự kiếm tiền sẽ sớm thành tai họa! 2/4/2016