Ăn bớt bát, nói bớt nhời

ĂN BỚT BÁT…NÓI BỚT NHỜI
Doduc
Từ bé lắm, tôi nhớ có một lần hàng xóm cãi nhau về cái việc gì vớ vẩn lắm, mất cả buổi mà chuyện chẳng đâu vào đâu. Sau đấy tôi nghe mẹ lẩm bẩm” ăn bớt bát/ nói bớt nhời” thì đâu đến nỗi thế!
“Ăn bớt bát, nói bớt nhời” câu thành ngữ tiền nhân để lại cho tình làng nghĩa xóm, tình vợ nghĩa chồng, gia đình bao dung đùm bọc rộng lớn và sâu sắc vô cùng.
Mấy hôm rồi có câu chuyện rộ lên trên mạng xã hôi về chuyện một nhà thơ đã lấy bài thơ của một nhà thơ khác về làm của mình. Khi bị phát hiện, người cầm nhầm thơ lưỡng lự chưa chịu nhân lỗi ngay thế là cả mạng dậy sóng. Loại thứ nhất rất đạo mạo lên tiếng đạo đức không thể chấp nhận chuyện ăn cắp thơ (dù một bài), căng hơn chống tham nhũng. Loại thứ hai là nhà thơ đồng nghiệp nữ có tí danh lên án cạn tàu ráo máng, nói năng đạo đức vuông từ gót chân lên đầu, sát phạt người mắc lỗi như kiểu đấu tố địa chủ năm xưa Loại thứ ba là là a dua ăn theo mắng mỏ vùi dập kiểu bầy đàn dù chằng đọc bài thơ ấy bao giờ!
Trong mĩ thuật lâu nay việc nhái ý tưởng hoặc chép lại, hoặc nhại lại đều có cả, nhưng lại vào giải, cũng làm nhiều phen dậy sóng. Trước đây không có mạng xã hội thì không ai biết, còn bây giờ thì con chấy trong tóc nó cũng nhận ra! Triển lãm toàn quốc hầu như lần nào cũng có tranh sao chép mà là những người vẽ có tay nghề tử tế! bị cảnh cáo mà vẫn không chừa, không nhiều như tham nhũng nhưng nó là cái xấu xí cho nghệ thuật với trách nhiệm sáng tạo! Sáng tạo sao chép trộm cắp thì còn gì để nói!
Hội đồng nghệ thuật cũng hết hơi!Chấm thì chấm không sai, nhưng nhầm vào tranh nhái, mà nhái thường tranh đẹp thì Hội đồng chấm thôi. Bị phát hiện thì lại mất mặt thu giải. Ê chề cả hai!
Khốn nỗi, được giải là có tiếng, có tiền lại được cộng vào thành tích nghệ thuật để xin giải nhà nước và Hồ chí Minh, cả đống tiền lớn nữa! Thế là khát, thế là đi tắt về nhanh. Khốn nỗi mạng xã hội giờ nó đeo bám soi vào ngõ ngách, và thế giới phẳng này không giấu được điều gì, có cãi cũng không lại, mà chầy cối thì ôi diêu. Mạng thì nó dai như đỉa trâu, độc mồm cũng cỡ đỉa. Sự giận dữ ấy khó cản vì nghệ thuật sáng tạo nhọc nhằn , nên kẻ ăn hớt bị ghét thì có gì khó hiểu!
Cái lỗi của người trộm thơ đã rõ , đáng phê bình thật, chưa phải chuyện cháy nhà, nhưng phản ứng cho ta thấy đạo đức xã hội bây giờ không còn lành lặn tử tế được như thời cha ông ta bảo nhau “ ăn bớt bát/ nói bớt nhời “ nữa, mà là sự hung ác lạnh lùng, tỉ lệ người bao dung thấp hơn số người cứng rắn kết tội. Rồi trong đó có chuyện lợi dụng cơ hội đó chĩa mũi dùi sang người nọ người kia nếu có tí dính dáng. Câu chuyện thành đám đông hỗn loạn.
Điều đó cho ta thấy chuyện đạo thơ hay đạo nghệ thuật tạo hình vân vân… này, giờ trở thành nơi xả những ẩn ức khác của xã hội . Họ đá thúng đạp nia vì tức giận ở chỗ khác giờ dồn vào đây…
Cuộc sống hôm nay đang hao hụt đi khá nhiều những điều tốt đẹp. Tâm lý dân tộc ta xưa nay luôn quí trọng tình làng nghĩa xóm, thì nay cái tốt đẹp đó đã vơi đi rất nhiều. Lối sông ích ki cá nhân năm ăn năm thua bây giờ như những mầm ác đang nẩy nở rất nhanh ở trong mọi giới, nhất là giới trẻ, hàm chó vó ngựa, chẳng kiêng khem gì.
Đó là sự khủng hoảng về văn hóa chứ không chỉ là suy thoái như nhiều người đặt ra nữa đâu. Thực sự nghiêm trọng đấy! 25/10/2015.- 20/8/2020