Chiếc xe đạp thời bao cấp

Xe đạp thời bao cấp

Doduc
Bạn tôi kể: Mua được chiếc xe đạp rồi mà hàng ngày anh ấy vẫn đi bộ. Nhớ lần dắ tvề được cái Phương hoàng phân phối, đi đâu thì chớ, cứ về đến nhà là anh ấy như bị cái xe thôi miên. Nằm bắt tay sau gáy ngắm xe hàng giờ không chán. Đến bữa gọi ăn cơm vẫn không nhúc nhích, phải tát nhẹ vào má anh ấy mới chợt tỉnh.
Mà việc ấy kéo dài hàng tuần, tưởng như ma bị ám.
Đi đâu quanh quẩn chừng một hai cây số là anh ấy đi bộ. Ngày nghỉ đèo được vợ con đi chơi đâu đó về là lăn ngay ra lau lau chùi chùi cả giờ đồng hồ. Ốm cả người. Nghĩ thà chả được phân phối cho xong. Thế này thì còn khổ hơn không có xe.

Em tôi kể: hồi mới ra công tác nó ở chung buồng với một anh trong cơ quan cũng độc thân. Anh ấy có chiếc Fvorit đỏ. Chiếc xe đẹp nhẫy lại nhẹ nhàng. Góc nhà anh ấy néo dây trên trần xuống buộc hai cái móc. Đi đâu về là lau sạch rồi móc hai móc vào ghi đông treo chiếc xe lên như lò mổ người ta treo con lợn.
Một hôm đau bụng, anh nhăn nhó nhờ chú em tôi đi mua thuốc. Anh nhăn nhó, gắng đưa hai tay nhấc chiếc xe xuống trịnh trọng trao cho chú em tôi, dặn: Mua xong về ngay nha, cẩn thận mất xe đấy. Mua thuốc về chẳng thấy anh nhìn đến thuốc. Mắt anh đảo qua xem xe có sao không, rồi từ từ rút mùi xoa phẩy phẩy cái yên. Chắc anh phát hiện ra mấy hạt bụi. Từ đấy anh có việc gì nhờ chú em tôi dứt khoát đi bộ. Hình ảnh anh dùng mùi xoa phẩy bụi trên cái yên xe em tôi mới ngồi lên gỡ mãi không ra khỏi đầu chú em tôi.

Chuyện của tôi: ở hiệu chữa xe đạp, một chiếc xe bị đâm nên bánh trước hơi vênh phải cân vành lại. Tôi nhìn bác thợ chăm chú vặn từng chân nan hoa, lại nhìn gương mặt căng thẳng chủ xe trong cơn phẫu thuật vành. Mỗi lần tiếng nghiến ken két xiết ốc lại thấy chủ xe nhấp nhổm không giấu nổi nỗi lo lắng. Ông ấy sợ bất ngờ có thể đứt nan hoa. Tôi bỗng phát hiện ra ở chiếc vành xe còn lại, những khối đen sì hình tháp nhỏ phủ kín từng cái chân nan hoa. Tôi tò mò dùng que gạt nhẹ, hóa ra đó là mỡ xe. Chủ xe tinh mắt biết ngay, lườm tôi bảo: Đừng có nghịch, tôi làm thế để bảo vệ chân nan hoa khỏi rỉ đấy.
Những sáng tạo đắp mỡ vào chân nan hoa để bảo vệ cái vành thật quá bất ngờ!

Thời ấy khổ nhất là làm công đoàn. Mỗi lần phân phối phụ tùng, người năm viên bi, người ba nan hoa, không lấy thì tiếc tiêu chuẩn, lấy về cũng không biết để làm gì. Nếu bất ngờ cơ quan được phân phối cho một hai chiếc lốp thì phải mất cả tuần mới chọn ra chủ nhân cho nó. Phải cộng công trừ trừ tiêu chuẩn chán vạn để lấy ra sự công bằng. Khó như phân kim vậy.
Những chuyện này kể bây giờ, chắc chắn nhiều bạn trẻ sẽ bảo là bịa đặt, hoặc cười bảo đó là cổ tích.
Vây mà chúng tôi đã sống qua thời bịa đặt và cổ tích như thế. Đó là chưa kể còn đói ăn và bom đạn treo lửng lơ trên đầu, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp tai họa.
28/4/2012