Thẩm định văn chương

Thẩm định văn chương
(Để tưởng nhớ bác Trần Văn Tấn)
doduc
Ông là thủ trưởng của tôi gần chục năm. Chục năm làm việc dưới quyền ông nhưng tôi chẳng biết gì nhiều về ông . Chỉ lơ mơ trước đây ông là nhà giáo dạy ở Đại học sư phạm, rồi chuyển ngạch sang ngành xuất bản. Ông có Hán học, là chuyên gia về văn học Trung Quốc. Một lần ông ngồi giảng Kiều, ông bảo Kiều là áng văn tuyệt vời vì nó tinh tế, đọc phải ngẫm mới dần hiểu. Ông bảo tôi: “ thế cậu có biết câu dưới cầu nước chảy trong veo/ bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha là tả gì không. Tôi bảo tả cảnh chứ còn gì? Ông bảo không sai, nhưng anh mới chỉ tiếp cận cái vỏ của thi ca. Tôi lặng yên nghe ông giảng tiếp: “Đây là cảnh cô Kiều đi chơi xuân. Cô gặp Kim Trọng, trong lòng đã xao động. Nhưng ở thời phong kiến, nam nữ thụ thụ bất thân, không thể đứng trò chuyện. Người ta khi yêu thì lòng cởi mở và nhất là nhìn cái gì cũng đẹp. Câu thơ này là tả động tác, Kiều không dám nhìn mặt Kim trọng, e lệ cúi xuống nhìn thì thấy dòng suối trong vắt, cô liếc mắt sang bên tìm Kim Trọng thì bắt gặp nhành liễu buông mành … Trong mắt kẻ si tình thì nhìn cái gì cũng đẹp. Hai câu thơ đó chính là Nguyễn Du tả động tác để nói về tình yêu chứ không phải tả cảnh.
Ông bảo khi Kiều lưu lạc phương xa, đêm cuối tháng nhìn trời thấy vành trăng khuyết và ba sao giữa trời thì vẻ như tả cảnh. Nhưng đó chính là Nguyễn Du tả tâm trạng Kiều . Một vành trăng khuyết ba sao giữa trời chính là chữ TÂM. Trong chữ Hán, chữ Tâm có một phẩy, một móc và hai chấm phía trên. Bầu trời đem lồng lộng kia chỉ có một chữ Tâm, nỗi nhớ nhà đã nâng lên tầm vũ trụ. Nguyễn Du đã quá hiểu hình tượng của lối chữ tượng hình để bộc lộ tâm trạng, không phải là ai cũng làm được.
Rất có thể đây là sụ suy luận của người nhà nghiên cứu. Đúng là sợi rau muống chẻ tư nhưng mà có lí.
Ông thuộc lớp người cổ, sống vuông vắn và ưa nghĩ ngợi. Những lần chuyện trò bên ấm trà tôi đã tích cóp dần những hiểu biết qua ông về cách nghĩ để thẩm định các giá trị. Ông bảo “có khi người viết chưa chắc đã dụng công như thế, nhưng văn học nghệ thuật là thế, ý muốn chủ quan và thẩm định khách quan chưa bao giờ trùng khít hoặc rất xa nhau. Đã đọc thì phải nghĩ lâu trên lao động của người khác để thẩm thấu các giá trị. Thẩm định văn chương là sự lao động hưởng thụ mà từ đó chỉ ra cho ta thấy đọc sách và đọc báo là hai cách đọc khác nhau cần phải chú ý. Đọc báo lấy tin, đọc sách đọc thơ là để bồi bổ tâm hồn, nâng tầm trí tuệ, khác nhau lắm.
Ông đã đi xa hằng chục năm nay mà tôi vẫn nhớ những lần ngồi nghe ông luận về văn chương học thuật. Những cách học bên ấm trà ấy có người cho là chuyện tào lao, nhưng giá trị của nó nhiều khi chẳng kém gì ngồi trong lớp học. Ông dạy cho tôi cách đọc và cách nghe, những cách ít có trong các giáo án.
Những người thày ngang đường như ông , với tôi không chỉ có một.
12/1/2010
Bình luận

Post navigation