sốt ruột

Doduc
1 – Xin lỗi là một hành vi văn hóa trong ứng xử. Thông thường xin lỗi nhau khi người ta có va cham, lỗi hẹn, hoặc có việc làm gì đó tác động không tốt đến người khác.
Trước dư luận xã hội về sự xuống cấp về văn hóa, Hà Nội đã bàn về chuyện cấm nói tục, chửi bậy, Đà Nẵng ra bản quy tắc ứng xử giao tiếp như xin chào, xin lỗi, xin mời, cảm ơn…
Chửi tục hay nói bậy là một hiện tượng được đánh giá là vô văn hóa. Nhưng không nói tục chửi bậy liệu có phải đã là có văn hóa không. Câu hỏi đó không dễ trả lời.Văn hóa nó nằm cả ở hành vi chứ đâu riêng lời nói. Cũng như vậy, nói cảm ơn, xin lỗi, xin chào mà thái độ không chân thành thì ai bảo đó là đã có văn hóa.
Đưa hai cách làm của hai thành phố lớn để thấy chính quyền đã giật mình vì sự xuống cấp của văn hóa ứng xử, và muốn ngay lập tức kéo nó lại thăng bằng nhanh chóng bằng thứ chỉ thị hành chính: ra văn bản hướng dẫn và lệnh cấm, tưởng như thế là xong. Nhưng sự đời đâu có đơn giản thế.
2 – Xin dẫn một câu ca dao cổ:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không lịch, cũng vẫn người Tràng An.
Lịch ở đây là lịch lãm, lịch sự, lịch thiệp . Người Tràng An xưa có cái “lịch” đó bởi nơi kẻ chợ, người tứ xứ dồn về, muốn làm ăn có đoàn có hội thì kẻ mới đến phải lịch lãm trong giao tiếp thì mới được đón tiếp chứ không thể vác đất lề quê thói ra mà được. Lâu rầy tạo nên nếp sống thanh lịch mà Hà Nội có quyền tự hào.
Nhưng ngày nay người đến đất Hà Thành không như xưa. Phần về đây kiếm sống, phần về vì sẵn tiền. Khi mà đồng tiền thành thước đo giá trị ứng xử thì những thứ mất nết trên đất này là do tiền nó nói, tiền nó sai. Nhất là khi đồng tiền không sạch sẽ gì thì cuộc sống xung quanh nó cũng vẩn đục. Tôi có một người quen, khi giải quyết một số chuyện giấy tờ nhà đất hay hộ khẩu , bà ta nói nhẹ lâng lâng: trời ơi, thả tiền cho nó chạy. Việc này việc nọ em đưa cục tiền cho nó ( ý nói người của chính quyền) nhoáng cái xong ngay chứ mình hơi đâu!
Ví dụ nhỏ để thấy văn hóa nó chuyển làn do nhiều yếu tố xã hội tác động. Cho nên việc mất thăng bằng trong văn hóa lối sống xã hội muốn lập lại được thì cần có sự nhìn nhận sâu xa đánh giá lại từ hệ thống quan chức. Hệ thống này cần sự sự gương mẫu thật sự, bộ máy công quyền cần sạch sẽ, hệ thống pháp luật phải nghiêm minh, nó sẽ tác động đến xã hội. còn sau đó là từ gia đình, nhà trường …Không thể đổ lỗi cho toàn bộ giáo dục, hay bộ Văn hóa. Văn hóa hình thành trên nền tảng xã hội, nó diễn biến trên “ mảnh đất “ đó. Nếu bạn đi xuống địa phương, văn hóa vùng miền thấy còn rất rõ ở phong tục tập quán, ứng xử. Nhưng chỉ đến thị trấn phố phường đã khác, khác nhất là sự hiện diện của đồng tiền làm vẩn đục dần. .
Cho nên việc ra quy tắc trong giao tiếp, hay cấm đoán nói tục chửi bậy nêu trên chỉ mang tính bôi thuốc tại chỗ, mà không phải trị bệnh từ gốc. Để văn hóa giao tiếp tha hóa như ngày hôm nay rõ ràng là có cả một hành trình đi xuống mà ta không để ý . Lấy lại thăng bằng cho đời sống văn hóa rõ ràng là không thể sốt ruột bằng vài chỉ thị quy tắc mà nó cần thời gian hơn và cả sự nghiêm túc của bộ máy công quyền! 15/8/2015

Post navigation