Tranh Đông Hồ thời hội nhập

Bài 4:
Đông Hồ thời hội nhập

ĐỖ ĐỨC
Xin nói luôn: mở cửa giao lưu với thế giói không chỉ để cứu nền kinh tế, mà còn cứu nhiều ngành nghề khác, trong đó có nghề làm tranh Đông Hồ.
Những năm cuối thập kỉ 80 thế kỉ trước, khi khối SEP và Liên Xô tan rã, con đường mòn nhỏ đưa tranh Đông Hồ đi sang thị trường Âu châu trong đó có thị trường Cộng hòa dân chủ Đức lớn nhất của Sunhasaba bị gián đoạn, tổ làm tranh Đông Hồ do nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam lam tổ trưởng cũng dần dà bị giải tán theo. Những bộ ván khắc được các nghệ nhân gói ghém đưa cất lên gác sép. Người Hồ lúc đó chỉ còn nghề mã, mà nghề đó cũng không dám công khai tràn lan, ai biết việc nhà nấy.
Vào những năm đó, nhà xuất bản Văn hóa dân tộc thành lập tổ làm văn hóa phẩm để có thu nhập thêm vào đồng lương, đã nghĩ đến tranh Đông Hồ thu nhỏ làm bưu thiếp. Nghệ nhân Nguyễn Đăng chế người làng Hồ lúc đó là cán bộ của Nhà xuất bản, ông hăng hái bắt tay vào chuyện tìm lại hơi thở cho tranh Đông Hồ. Thấy mặt hàng mới bán được, ông lặng lẽ nghĩ ngay đến chyện sưu tầm phục dựng lại nghề tranh. Ông đến những nhà không theo nghề tranh nữa thu mua lại ván cũ. Những ván quá cũ nát không khai thác được nữa ông cho phục chế. Những còn mẫu in cũ ông đem đi cho khắc lại. Nhà nghiên cứu tranh dân gian duy nhất lúc ấy là ông Nguyễn Bá Vân của Viện nghệ thuật còn giữ một số bản in nét những bộ tứ bình, thấy ông Chế nhiệt thành, ông đem ra tặng lại để mong ông có thêm những mẫu tranh đã gần như thất truyền. Bây giờ làng Hồ còn gia đình ông Nguyễn đăng Chế, ông Nguyễn Hữu Sam là hai nghệ nhân đã sắp lục tuần đại khánh cả rồi nhưng vẫn kiên nhẫn giữ lấy tổ nghề. Tranh Đông Hồ lại được hàng vạn bản hàng năm trên các sạp hàng du lịch. Người Nhật đã đặt hàng với ông Chế mỗi năm vài ngàn bộ.
Đi với thời cuộc, lấy phục vụ thị trường làm động lực phát triển. Ông Chế về hưu và hằng ngày lại miệt mài trở về với ván khắc. Vẫn giữ thói quen năng động của người thợ dân gian ông tiếp tục lần mò tạo ra sự thay đổi cho loại mặt hàng này. Những tranh tứ bình xuân-hạ-thu đông ông thử nghiêm cho in bản nét rồi cản bóng bằng mực nho giống lối làm của tranh Hàng Trống, nhưng chỉ có đen trắng cũng hấp dẫn với du khách. Có những du khách cầu kì muốn bức tranh Đông Hồ to hơn gấp đôi gấp ba, thế là ông cho phóng to chép tay sang khổ 50×60 với giá hàng trăm ngàn mỗi tờ. Ông lại cho khắc ván bản nét một số bức tranh với đủ kích cỡ từ to bằng nguyên bản đến mi ni và bán luôn cả bản khắc cho khách yêu thích. Những bộ tranh đôi, những bộ tứ bình in xong ông cho bồi lên mành tăm trục trúc khổ 40×100 trông rất xinh xắn tiện cầm đi lại. Những cải tiến về hình thức ấy theo kịp nhu cầu thị trường nên đã cải thiện được giá cả. Cách đây dăm bảy năm, ông làm hàng tranh trục tứ bình đen trắng và tranh chữ xuất cho người Nhật, năm cũng được vài ba ngàn bộ. Năm ngoái nghệ nhân Nguyễn đăng Chế đã thành lập doanh nghiệp tư nhân tranh Đông Hồ mang tên ông. Từ nhiều năm nay Đông Hồ thành điểm đến cho nhiều tua du lịch văn hóa. Ngày nào cũng có khách đến với đủ các gương mặt công dân Á, Âu, Mĩ. Ngày nào cũng bán được tranh, còn mạnh hơn của hàng đại diện cho doanh nghiêp của ông ở phố Chân Cầm.
Ngoài ông Nguyễn Đăng Chế ra, gia đình ông nguyễn hữu Sam cũng vẫn tiếp tục nghề tranh. Còn nghệ nhân trẻ Trần Nhật Sử cũng khi làm khi bỏ theo nhịp đập của thị trường. Tuy số nghệ nhân theo nghề tổ còn ít nhưng số lượng tiêu thụ hàng năm là rất đáng kể nên chắc chắn dòng tranh Đông Hồ không sầm uất như xua nhưng không thể bị diệt vong vì sự nuôi nấng của thị trường du lịch và cái giá bình dân của nó. Còn lại phần lớn người làng Hồ bây giờ đều theo nghề mã phục vụ người âm với những sản phẩm bắt chước dương gian thật khéo của những nghệ nhân mới
Đình Đông Hồ hàng năm vào 15/3 vẫn vào đám tế tổ làng nghề. Người Hồ hôm nay vẫn ghi nhớ cái quá khứ vẻ vang của mình, chẳng thể dứt nghề. Cứ tạo được thị trường là là họ trở lại bất kì lúc nào. Cứ nhìn các ván khắc hôm nay thì biết, dòng máu của nghệ nhân làng Hồ với nghiệp làm tranh in chưa thể dứt mà còn tinh xảo hơn cả thế hệ cha anh. 24/6/2009