ĐẸP và CHƯA ĐẸP

( Bài in trên Tiền Phong hôm nay 7/12/2020)
Doduc
1 – Triển lãm mĩ thuật toàn quốc 2020 do Cục Mĩ thuật nhiếp ảnh và triển lãm Bộ Văn hóa chủ trì, ban tổ chức đã nhận được 3.571 tác phẩm của 1.382 tác giả từ 58 tỉnh, thành phố gửi về tham dự. Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày. Cụ thể, với thể loại điêu khắc và sắp đặt có 117 tác phẩm của 105 tác giả; với thể loại hội họa, đồ họa, nghệ thuật trình diễn, video art và các hình thức nghệ thuật đương đại khác có 380 tác phẩm của 378 tác giả. Đó là cuộc tuyển chọn khá chặt chẽ, một chọi 7 để dành cho chất lượng nghệ thuật.
Một khối lượng công việc khá lớn toàn quốc cho việc tập hợp, duyệt tác phẩm, dàn dựng và xét giải trong thời gian có 2 tháng là quá ngắn cho một triển lãm sang trọng tầm quốc gia, nên thật khó hoàn hảo. Rất tiếc là ngày khai mạc, vựng tập triển lãm in chưa xong như mấy lần trước đây. Đó là cái thiếu hụt không đáng xảy ra trong một cuộc trưng bày lớn như thế này.
2 – Tôi đến triển lãm ba lần, kể cả ngày khai mạc xem kĩ các tác phẩm. Triển lãm để lại trong tôi nhiều cảm xúc vui có buồn có hài lòng có và chưa hài lòng cũng có.
Có bạn so với triển lãm cách đây năm năm bảo không bằng, như một bước lùi. Tôi không nghĩ như vậy! Không thể so sánh thế được. Nghệ thuật luôn là tấm gương phản chiếu thời đại nó đang sống. Hay dở đều có tác động từ môi trường trường đó. Nó hằn vào những tác phẩm nên không thể so bì ở những khoảng cách thời gian khác nhau.
Tôi cùng với nhiều đồng nghiệp dừng lại trước từng tranh, xem khá kĩ, nhận ra là những tác phẩm suất sắc không nhiều. Cũng không có gì lạ, chất lượng nghệ thuật luôn là sự tổng hòa giữa cảm xúc, tri thức và kĩ thuật. Mấy khi một tác phẩm đạt được cả ba yếu tố đó. Có những tranh to vật vã nhưng giống đứa trẻ lớn kễnh do chất kích thích kĩ thuật, còn trí tuệ thì đơn sơ. Có bức lại hời hợt như vẽ cho xong chuyện. Có bức tỉ mẩn lấy công làm lãi, cảm xúc nhạt nhòa hoặc tẩn mẩn quá dẫn đến vô cảm. Có nhiều bức lại như làm xiếc với chất liệu. Có bức trấn nhau bằng diện tích khủng mà rỗng nội dung với đề tài mơ hồ và tên tranh cũng mơ hồ gây ảo giác cho người xem muốn luận sao cũng được. Tất cả đều có trong triển lãm. Không ít tranh thiếu chiều sâu mĩ cảm, sơ sài cả hình thức và nội dung thì dễ dãi. Họa sĩ Lê Đại Chúc cho rằng không phải chỉ ở ta, mà đó là tình trang chung của thế giới, cũng nhiều nơi rơi vào tình trạng tắc nghẽn, vô cảm do sự bắt nhịp của nghệ sĩ với thời đại còn bất cập. Họ có cố gắng nhưng chưa thoát ra được.
Thể hiện một tác phẩm nghệ thuật là trả lời câu hỏi của thời đại đặt ra, không phải dễ gì mà có câu trả lời thông minh chuẩn xác ngay được. Cho nên tranh nhiều mà tác phẩm ít, người vẽ nhiều mà tác phẩm nghệ thuật hiếm hoi cũng là điều dễ hiểu.
Tôi nghĩ làm nghề là làm người, nên luôn có đòi hỏi khắt khe trong sáng tạo. Cái hiện đại không phải là hình thức vỏ bọc lạ hoặc hào nhoáng như sự nhầm lẫn của nhiều người vẽ. Hiện đại theo tôi vẫn là cáí hồn cốt đi được vào lòng người với vẻ ngoài bình dị tưởng như cũ kĩ quen thuộc mà nhìn vào không dứt được ra. Hiện đại như thế mới giá trị chứ không phải là gì khác.
3 – Năm nay trong giải của Hội đồng nghệ thuật tính độc lập cũng cao. Bức “An phận 2” được trao giải B của tác giả trẻ Hà Phước Duy cho thấy điều đó. Giải được trao cho một tác phẩm tạo hình mang tính chính luận, một phản biện xã hội. Một đống xích nặng nề, hoen rỉ như bị bỏ quên, đôi chim nhỏ nhoi như lẫn trong đống xích, cho nhiều suy ngẫm. Một nhận xét của người xem:” Mình thấy buồn, sự tự do của đôi chim nhỏ nhoi quá giữa một rừng xiềng xích dù nó đã hoen rỉ”. Một bạn khác sắc sảo hơn: ” tranh chủ đề mang tính biểu tượng. Xiềng xích là biểu hiện mất tự do. Đôi chim là biểu tượng khát khao tự do. Tương quan cho thấy mối liên hệ mất cân bằng giữa tự do và kìm hãm xã hội. Tác phẩm này giải B cho thấy phần nào chuyển biến nhận thức trong Hội đồng giám khảo. Họ đã gửi gắm trăn trở của mình vào xã hội…Đó cũng là vấn đề toàn cầu. Nghệ thuật hội họa có giá trị ở chỗ này. Tác phẩm có tầm vóc .Nhưng lại có ý kiến phản biện :”Duy lý đè mất nghệ thuật hội họa”. Bạn đó cũng không hẳn sai, nhưng có phần cứng nhắc quan phương! Ở đây hội họa có sự xâm thực của triết học bằng cách dùng biểu tượng, đã hướng tác phẩm thiên sang hướng chính luận, phản biện xã hội. Nhưng diễn tả dây xích rỉ, đôi chim rủ rỉ bên nhau bằng cách tả tinh vi kĩ càng vẫn hội họa lắm chứ! Những lời bàn trên âu cũng là sự trao đổi tích cực với tác phẩm. Tôi nghĩ đó là tác phẩm có tầm vóc tốt cho vỏ não của những khát vọng vươn lên. Nó có tác dụng đánh thức đa chiều.
Nhưng quay sang tác phẩm sơn mài khác như “ Cov” của tác giả Huỳnh Tấn Đệ giải 3 (sơn mài- 140×200)… thì lại có vẻ dễ dãi. Tranh vẽ về thời dịch covid, nhà chờ sân bay không khách, tàu bay nằm chết dí sau cánh cửa, mấy chú chim sẻ ríu rít phần tiền cảnh…Nó như một minh họa sơ sài không có tiếng vọng nghệ thuật. Hoặc bức “ bập bênh thành phố” của Vũ Thanh Hiền Giải khuyến khích ( sơn dầu-150×150) theo trường phái ngây thơ thì ngôn ngữ không đồng nhất giữa người và cảnh, tranh trở nên vô cảm, mặc dù xuất phát từ cách đặt vấn đề rất hay . Bức “Xứ sở thần tiên” của Vũ Ngọc Vĩnh, sơn dầu 200×300 (giải khuyến khích) thì xa lạ quá! Như tranh thời tiền phục hưng, không ra người ta vẽ Tây…nhạt nhòa và câm lặng trước người xem trước ý tưởng…
Nhưng với video Arts “ Tích tắc” thì lại xoáy và đầu người xem cái đau đớn khi môi trường bị hạ độc , con người thành con tin của sự ô nhiễm. Tác phẩm không chỉ nhắc nhớ mà là sự báo động khẩn cấp
Một nữ điêu khắc nhận xét:có vẻ hội đồng bị cuốn đi theo trào lưu hiện đại, nhiều kĩ xảo lòe được hội đồng mà quên đi sự tinh tế của một số tác phẩm khá giàu cảm xúc trong triển lãm. Điều đó cũng có thể có lắm.
Một triển lãm lớn toàn quốc của nghệ thuật tạo hình trong 5 năm, để phát hiện hết cái hay cái dở thì cần nhiều thời gian xem và ngẫm nghĩ suy xét. Bài viết này chỉ là điểm qua lướt nhanh theo cảm xúc của một góc nhìn chủ quan để gợi cùng công chúng đến xem tranh và suy nghĩ thêm về tiếng nói của một bộ môn nghệ thuật đang đi vào đời sống xã hội- 6/12/2020