Tự sự: Cái duyên với giấy dó

Tôi quê ở Bắc Ninh, một tỉnh nằm trên châu thổ sông Hồng, giáp với thủ đô Hà Nội hiện nay, một thời là đất kinh kì. Nhưng tôi lại được sinh ra ở Thái Nguyên cách Hà Nội một trăm cây số về phía Bắc. Đó là vùng trung du núi đất, ở xen kẽ với đồng bào các dân tộc như Tày, Nùng, Caolan, Sán chay, Dao. Nên với tôi, núi rừng sông suối là ngôi nhà lớn, cuộc sống của người miền núi là cuộc sống của tôi. Sau này tôi mới nhận ra lối nghĩ và cách sống của người ở nơi tôi được sinh ra đã ăn sâu vào trong tôi một cách tự nhiên như cây cỏ trên nền đất ấy. Nghĩa là chỉ tin cái quan sát thấy, chỉ nói những điều đã rút ra được từ trong lăn lộn với cuộc sống, không thể nào khác được.

Là một họa sĩ đồ họa, việc thường xuyên in tranh khắc nên tiếp xúc nhiều với dó, nhưng ban đầu tôi cũng chưa biết đến sức manh của chất liệu này. Tôi chỉ bắt đầu để ý đến việc vẽ trên dó khi xem bức kí họa bằng mực nho của cố họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp. Ông đã vẽ buông một mái đao của chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) trên dó. Bức kí họa đó tôi được xem tại nhà ông khi tôi theo học tại trường đại học. Nhìn cách thâm diễn (vẽ kĩ) bằng mực nho tôi vô cùng ngạc nhiên về sức biểu cảm của giấy. Khi cứng cáp, khi mềm mại, màu và nét chỗ buông chỗ chặn hút vào không gian và nhẹ nhàng tan vào thinh không. Tôi xem như bị thôi miên. Mãi sau này tôi mới nhận ra Ông chính là người khai tâm cho tôi về chất liệu này, mặc dù ông rất ít vẽ trên dó. Đó thật là những cơ duyên.

Đường rừng lắm nẻo  Màu nước trên giấy dó. 60x80cm  Mọi nẻo đường được khắc hoạ trên cùng một mặt tranh như nhiều góc nhìn, nhiều quan sát...
Đường rừng lắm nẻo
Màu nước trên giấy dó. 60x80cm
Mọi nẻo đường được khắc hoạ trên cùng một mặt tranh như nhiều góc nhìn, nhiều suy nghĩ

Tôi bắt tay vào vẽ trên dó. Giấy dó lúc đó cũng khá rẻ lại không khó kiếm. Nhưng khi vẽ mới thấy để đạt được vẻ đẹp hấp dẫn như thày tôi đã làm thì cũng không dễ. Đã không ít tờ giấy dó bị loại bỏ ngay sau khi đặt bút.. Nhưng đó chỉ là phần kĩ năng. Kĩ năng có thể rèn luyện được nếu có sự kiên trì. Để có một bức tranh đẹp, đem đựợc mĩ cảm đến với người xem là phải thổi được hồn vào trong nét vẽ thì khó hơn nhiều

Tôi cũng biết mình có một khoảng trống rất lớn về lí luận. Mọi việc tôi làm trong sáng tác đều xuất phát từ quan sát rồi từ từ nghiền ngẫm để tổng kết để tìm cách nhận ra qui luật khách  quan của sự vật dù đó cũng có thể cũng chỉ là tương đối.

Vẽ gì và vẽ như thế nào mới thực là sự thách thức cam go. Tôi vẽ về miền núi và dân tộc thiểu số do được tiếp cận với đời sống văn hóa của họ. Những giá trị văn hóa đó đã chinh phục tôi. Mỗi chuyến đi về miền rừng là một lần tìm kiếm và tích lũy các giá trị sống trong mỗi dân tộc. Đó là những câu chuyện trong tranh dân gian (cả trong tranh thờ cúng), trong bộ sắc phục và sau đường kim mũi thêu trên những tấm thổ cẩm. Đó là toàn bộ đời sống tinh thần sâu kín được cất giấu dưới màu sắc và đường nét. Những sản phẩm vật chất hữu hình đó chứa đựng rất nhiều giá trị tinh thần của những thế hệ đi trước đã tạo ra nó.

Cuộc Sống Trong Rừng  Màu nước trên giấy dó, 60x80cm  Hoạ sĩ Đỗ Đức, 2005.
Cuộc Sống Trong Rừng
Màu nước trên giấy dó, 60x80cm
Hoạ sĩ Đỗ Đức, 2005.

 

Vẽ dó là nhuộm giấy bằng màu. Làm  khi thế nào để khi vẽ xong bức tranh người ta còn thấy mặt giấy và xơ giấy. Đó là quan niệm ứng xử của riêng tôi với chất liệu này.. Tranh lụa người ta cũng làm như vậy nhưng lụa còn công đoạn rửa chuốt cho thớ lụa ăn đều màu và nếu có lỡ tay vẫn còn cơ hội sửa chữa. Nhưng với dó thì không thế. Vẽ dó nếu quá tay xuống mực thì hầu như phải vứt bỏ tờ giấy. Vẽ dó phải như người luyện kiếm, nhát bút phải thuần thục, linh cảm lấy mực trên đầu ngọn bút phải chính xác. Để được vậy vẽ dó phải tĩnh tâm như người nhập thiền, tập trung cao độ nhưng phải buông lỏng cảm xúc như vô thức thì nét mới mềm, màu mới nhuần nhuyễn,  mới chuyển tải được nhưng gì bạn đã định trong đầu.

 

Một sáng tạo nhỏ

Khi xem bức tranh dân gian  Đông hồ công việc nhà nông, đó là bức tranh kể chuyện. Nghệ nhân dân gian đưa lên mặt tranh công việc làm ruộng từ gieo mạ, cấy, gặt và phơi phóng, rồi xay xát lấy gạo nấu cơm tôi phát hiện ra nghệ nhân đã  đưa vào cùng một mặt phẳng rất nhiều không gian, và thời gian (từ gieo mạ đến thu hoạch).

Suy nghĩ về lập thể không gian trong ý tưởng và thể hiện không gian theo lối nhìn cổ điển xuất hiện. Và thêm vào đó, kết hợp với lối nhìn camera đã cho tôi ý tưởng vẽ tranh có nhiều phần và kết nối chúng lại với nhau thành một nội dung đồng nhất. Đó là vào năm 1993.

Cho đến bây giờ thì tôi hoàn toàn yên tâm về sự suy ngẫm sáng tạo của mình.

Mở không gian cho tranh luôn là mong ước của mỗi họa sĩ, đó là các không gian gần xa, không gian tâm linh, không gian vật chất, không gian ảo. Còn thời gian vì thế mà cũng được mở theo hợp lí và gắn kết không gượng gạo.

Bức tranh vẽ theo lối này thì sông và biển, vũ trụ và trái đất, khoảng cách địa lí không còn là trở ngại cho những suy tư mà họa sĩ muốn bộc lộ lên cùng một mặt phẳng.

Tôi hoàn toàn yên tâm với sáng tạo này.

Sắc của núi  Mầu nước trên giấy dó  60x80cm Hoạ sĩ Đỗ Đức
Sắc của núi
Mầu nước trên giấy dó
60x80cm
Hoạ sĩ Đỗ Đức

Đỗ Đức, 30/5/2009

 

 Xem thêm:

Kinh nghiệm vẽ giấy dó

Giấy dó và tranh giấy dó

Tranh khắc gỗ 

Xem toàn bộ tranh Cao Nguyên Đá Gallery