Cầu Long biên, còn đấy người mẹ thời khốn khó

(Bài được trao giải)

DODUC
Tôi ở nội thành nhưng quê ở bên kia sông Đuống, nên mỗi lần về quê đều phải đi qua cầu Long Biên..
Khi tôi biết đến cây cầu thì nó đã trên 50 năm tuổi. Vậy mà trông cầu vẫn ngay ngắn. Thời ấy đội cầu sơn sửa suốt ngày, nắng cũng như mưa người bám trên thành cầu, cọ gỉ thanh giằng, sơn từng tí một bằng chổi quét tay, cạo gỉ bằng bàn chải sắt, thủ công hết mức mà cây cầu vẫn luôn đẹp và sạch, tươi tắn trong trạng thái được mọi người cần đến.
Nhưng khi làm cầu Thăng Long, dôi ra ít sắt làm thêm được cái cầu chương Dương thì Long Biên gần như bị bỏ quên. Có cái gì đó ngậm ngùi như câu thành ngữ : có mới nới cũ ! Tôi ngờ rằng nếu không có đường tàu hỏa vẫn thừờng xuyên hàng ngày cần đến cây cầu thì nó đã bị đã bóc đi bán sắt vụn rồi. Giống như người ta đã làm như thế với mấy ngả tàu điện nội ô.
Bây giờ chỉ còn tàu hỏa đi, hai hành lang cho đi bộ và xe đạp xe máy ọp ẹp cũng chẳng được sang sửa bao nhiêu. Cây cầu một thời trông mát mắt với màu ghi sáng mượt thì nay thì ghẻ lở thám hại, tựa như người mẹ già nua bị đưa về xó bếp, cuộc đời đang lui vào những ngày cuối chắng mấy ai ngó ngàng.
Thế rồi người mẹ ấy bỗng được nhớ đến vì lí do nào đấy, và mẹ được tung hô là biểu tượng. Tôi ngờ rằng…cũng có khi chẳng vì mẹ, giống như ta chưa chắc đã yêu cây cầu đến thế, chẳng qua chỉ là dịp này thôi. Chưa biết chừng khi vinh danh xong thì bị dỡ bỏ cũng nên!
Nói thật với các bạn, khi viết những dòng này tôi thấy mắt mình cay cay vì những gì thực tế đã diễn ra. Chúng ta nhiều khi vô tâm với quá khứ đến mức tệ bạc. Tính thực dụng đã đè bẹp không ít những giá trị lịch sử. Suy diến xa hơn một chút: nhiều bà mẹ khi sống đã chẳng được đối đãi ra sao, khi sắp chết thì đỏ sâm nhung, khi chết thì ma chay ầm ĩ, con cái khóc rống lên được vài tiếng cốt để chứng minh lòng hiểu thảo.
Sự tệ bạc với quá khứ rồi sẽ bị trả giá, và đã bị trả giá, khi quá khứ không còn hiện diện trong tâm thức con người. Con người sẽ trở nên mất lòng trắc ẩn, nhẫn tâm hơn và cái thực dụng được dịp lộng hành.
Tôi không muốn ví cầu Long Biên với tháp Épphen. Với tôi, cây cầu thân thiết và sâu thẳm hơn thế nhiều. Cầu Long Biên là người mẹ già cuả tôi đã vượt qua trăm tuổi. Bền bỉ theo năm tháng dù bây giờ con cháu đầy đủ nhưng bà vẫn còn đấy như lời nhắc lại thời khốn khó để con cháu giữ mình. Và cây cầu chỉ trở thành biểu tượng văn hóa vì vai trò người mẹ đó.
Tôi bỗng nhớ đến đứa con gái nhỏ của tôi, khi thanh lí các đồ dùng cá nhân, nó giữ lại chiếc áo lọt lòng mẹ mặc cho lúc còn trong nôi đã sờn rách. Chiếc áo sợi dệt kim Đông xuân ấy nó đem giặt kĩ và treo lên mắc áo trong cái tủ áo chứa đầy hàng hiệu. Với một Thủ đô, cây cầu còng lưng đỡ cho cả tỉ người và xe cộ đi xuyên thế kỉ thì vị trí phải lớn hơn thế rất nhiều. Không biết có ai nghĩ vậy không?
Nghĩ vậy thì người ta sẽ không nỡ bóc đi một thanh rầm nhỏ. Nghĩ vậy thì người ta không thể dỡ đường ray và cũng không cần đổ quá nhiều tiền để phục dựng lại một cây cầu sáng choang như vừa làm mới. Sự trọng thị không phải là tô son trát phấn mà cái chính là bảo đảm cho cây cầu giữ được với gương mặt chân thực. Và lịch sử cây cầu cần được ghi nhận bẳng một văn bia tóm tắt để con cháu sau này trước khi bước chân lên mặt cầu hiểu thấu được giá trị Người Mẹ của nó trong vai trò huyết mạch giao thông của đất nước.

Bây giờ, sau hàng trăm năm, cây cầu nếm đủ sự thử thách của thời gian và chiến tranh vẫn bền bỉ vắt ngang dòng sông Cái, tôi nghĩ đến điều xa hơn về những thợ cầu chân đất một thời. Họ có cái gì đó hơn nhiều cái thời đầy đủ nhưng cũng đầy bạc nhược của thế hệ chúng ta ngày nay khi cây cầu vừa làm xong với cả đống tiền đã lún nứt, chưa nghiệm thu xong đã hỏng từng phần, chưa hết thời gian bảo hành đã lo đổ tiếp tiền ra sửa chữa. Chúng ta với kĩ thuật tiến bộ sau cả thế kỉ dường như không bằng , thậm chí còn thua kém xa tiền nhân về tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề. Nếu Long Biên được xây dựng với chất lượng thi công thời nay liệu nó có tồn tại đến bây giờ?

Cây cầu được nhắc lại trong dịp kỉ niệm ngàn năm Thăng Long, tôi muốn nghĩ đến một điều xa hơn, nghĩa là, từ việc trọng thị cây cầu, ta hãy nhìn chéo sang các giá trị lịch sử khác của kinh thành Thăng Long, nhiều cái cũng cần được trân trọng bảo tồn như thế nào cho đúng vai trò tinh thần của nó với đất nước. Có lẽ không cần các dự án tiền tỉ để xóa nhanh lịch sử bằng tô vẽ lại các công trình. Bởi thực tế đã xảy ra, sự phục dựng đã từng trở thành chỗ gỡ tiền đẻ ăn theo hơn là sự giữ gìn các giá trị văn hóa. Xin đừng làm ma to mà hãy chăm sóc người mẹ già khi bà còn hiện hữu trên đời này. Đó mới là thiết thực và có tính giáo dục sâu sắc.
Cần phải nghĩ xa hơn từ cây cầu lịch sử.
22/7/2010