tranh Phùng Phẩm

ĐỖ ĐỨC
Có một số họa sĩ gọi là có chút tên tuổi nhưng đôi khi người xem không nhận mặt được ngay tác giả mà phải dán mắt vào góc tranh để nhìn chữ ký. Sự mờ nhạt về diện mạo cho thấy họa sĩ chưa có cái riêng về bút pháp để tạo nổi ấn tượng trước công chúng nghệ thuật. Đó là sự chồng mờ vẫn thường xảy ra. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng ấy nhưng tựu trung lại là vấn đề bản lĩnh của họa sĩ . Chính là do họ chưa đủ vững về kỹ năng nghề, hoặc do tư duy không độc lập v.v…
Họa sĩ Phùng Phẩm là trong số ít những họa sĩ không bị rơi vào tình trạng đó. Ai đã từng xem tranh ông chỉ cần một lần thôi, thì lần sau đứng từ xa đã nhận ra ông, bất kỳ ông thể hiện trên chất liệu nào.
Khắc gỗ cũng như sơn mài, điều người ta dễ nhận ra ngay đó là ông đã dùng yếu tố trang trí chủ đạo toàn bộ tranh của mình. Ông cẩn trọng từ nét đến hình, các khoảng trống và lối dùng màu . Ông đã theo suốt nó, mải mê không chán. Đó là đặc điểm làm nên một Phùng Phẩm độc đáo mà theo tôi biết thì ông là họa sĩ duy nhất đi theo trọn con đường này. Nghệ thuật giống như tình yêu, có người tìm vẻ đẹp hấp dẫn ở nhiều người đàn bà, có người chỉ có một như Đường Minh Hoàng chỉ có một Dương Qúi Phi vậy.
Tranh khắc ông hay làm đen trắng hoặc chi chút một tí màu. Còn lại ông tập trung toàn bộ cảm xúc để tạo ra chuyển động của nét và mảng trang trí sao cho đẹp và hấp dẫn. Tất cả ông chỉ chú tâm vào sự đầy đặn của cảm xúc mà không cần quan tâm đến tỉ lệ.
Với sơn mài ông giản lược màu đến tối đa, chỉ chuyển đổi vài ba sắc độ. Khai thác lối nhìn trang trí trong sơn mài của Phùng Phẩm đặc biệt hiệu quả, làm cho sơn mài của ông trở nên kiêu sa, sang trọng. Những đường thẳng bất chợt gấp khúc tạo nên cái tĩnh trong động mà Phùng Phẩm làm được gợi cho ta nhớ tới các tranh Icôn thời Sa-hoàng, chập chờn bích họa cổ và tranh vẽ trên lăng tẩm của các Pha-ra-ông Ai Cập, chút đâu đó bóng dáng của tranh khắc Nhật, lối chơi âm bản của Trung Hoa.. Nhưng cuối cùng lại chẳng phải là ai ngoài chính ông. Lại nhớ người Nhật học tranh khắc Trung Hoa nhưng những Hôkusai, Utamaro, Hi- rô-si-ghe đã trở nên bác học, dẫm gẫy chân khắc gỗ Tàu, thành tên tuổi lớn của nền nghệ thuật thế giới. Thì cùng lúc đó, người Tàu vẫn luẩn quẩn trong ao tù biên giới của mình. Cũng như nhận xét của nhà văn lão trượng Tô Hoài, món Ngưu nhục phấn của họ được Việt Nam hóa thành món phở ngon nổi tiếng thì ở Trung Hoa nó vẫn là món bình dân không mấy ai còn nhớ.
Chắt lọc đường nét đến mức nghiệt ngã mà vẫn giữ được cảm xúc trên các đường thẳng tưởng như cứng quèo, có lẽ Phùng Phẩm nằm trong số rất ít người làm được suất sắc nhất. Cả trên tranh khắc và sơn mài, Phùng Phẩm chưa bao giờ vội vã làm dối và càng không né tránh cái khó. Tính kiên trì của ông dường như luôn muốn thách thức với cái người đời hay né tránh. Đó là sự thẩm định khắc nghiệt với những họa sĩ chứa trong mình bản lĩnh nhà nghề. Ông luôn tìm đến sự mạch lạc rành rẽ và đương đầu với nó một cách cứng cỏi.
Chất thiền lại cũng quán xuyến toàn bộ trong tranh của Phùng Phẩm. Dáng nhân vật dù động mà người ta vẫn cảm nhận được cái tĩnh lắng đọng trong nó. Đấy cũng là cái riêng biệt mà Phùng Phẩm tạo ra được cho mình.
Phùng Phẩm vẽ tranh không quá lưu ý đến đề tài. Lòng trắc ẩn của ông dành nhiều cho những thiếu phụ, những người đàn bà. Nhưng rồi dù là thiếu phụ miền núi hay đồng bằng thì họ cũng chỉ là cái cớ để cho ông gửi gắm ưu tư của mình với cuộc đời. Ông nhằm vào cái đích khác. Đó là tôn vinh sự thuần khiết, sức sống nội tâm trong con người đã từng trải nghiệm, hoặc tuổi trẻ đã đủ độ chín. Những người đàn bà xõa tóc gội đầu hay bên hoa, đọc sách hay sàng sẩy; những cô gái Hàn quốc hay thiếu nữ xứ Phù Tang… Rất nhiều bức chỉ thui thủi một nhân vật. Nhưng khi nhìn sâu ngắm kỹ thì ta nhận ra ngay đó chính là hình bóng ông. Nhân vật trong tranh chỉ là những catcadeur, thế vai cho tác giả. Con người ông tái hiên vào từng dáng dấp cụ thể rồi lặng lẽ với cái bóng của mình và công việc của mình với ưu tư của riêng mình, một chân dung tinh thần hoàn hảo của chính ông.
Lối nhìn và thể hiện của Phùng Phẩm gợi ra sự gần gũi với tranh đồ họa Nhật Bản. Các ông kễnh cận đại xứ Phù Tang như U-ta-ma-rô, Hô-ku-sai, Hi-rô-si-ghê vẽ geisa, võ sĩ đạo, phong cảnh, tiều phu, sóng nước và thuyền chài… chứa chất những điều huyền bí buộc người xem phải lặng mình lắng nghe. Tranh Phùng Phẩm cũng vậy . Đó là thứ nghệ thuật sang trọng kén người xem. Tranh ông kỵ với sự ồn ào xô bồ, mà chỉ có thể thẩm thấu được khi con người thanh thản gạt bỏ xa các mối ưu phiền, ngồi pha ấm trà ngon, đốt lư trầm và lặng lẽ một mình bên tranh càng tốt. Tu mấy kiếp nghề để có sự thanh thoát trong nghệ thuật, dễ đã mấy người làm được như thế. Ông đã làm cho chất thiền lặn sâu sau lớp màu rất kiệm nhưng sắc rất giàu. Nếu không hiểu yếu tố trang trí được ông lấy làm chủ đạo cho tranh thì không thể lý giải được hình họa, hòa sắc và nét khắc tinh tế nhẹ như gió mà có sức mạnh của phong ba trong tranh của ông. Ngưu ẩm cũng là chuyện của thưởng thức tranh. Xem Phùng Phẩm có người đã vội phiến diện cho rằng ông ông vẽ uốn éo điệu đà đơn thuần duy mĩ hoặc quá khô khan. Đọc tranh khó như hiểu tư tưởng nằm sau từng con chữ. Tranh của Phùng Phẩm không phải là lọai mỹ thuật dành cho số đông. Như người xưa thường nói quí vật chỉ dành cho quí nhân là vậy. Bởi nó là những viên đá quí được gọt giũa chỉ tỏa sáng khi gặp ánh sáng tương thích thẩm thấu được qua lớp màu hoặc sau nét khắc… 7/3/2008