Hái măng và làm nghệ thuật

Doduc
Ngày bé bố chỉ cho một khu rừng có nhiều măng nứa. Chuyện vào rừng hái măng thường vào hè, đó là mùa măng mọc. Sau tháng 7, những đọt măng cuối cùng vươn cao trên mét rồi thì mùa măng chấm dứt.
Nhiều năm sau, mùa măng nào chị em cũng kéo nhau vào rừng. Làng xóm rồi cũng nhiều đứa đi theo, vì thế mà măng phải chia sẻ cho nhiều người. Khốn nỗi nhiều cánh rừng bên rộng nhưng chúng tôi lại chưa một lần khảo sát, chẳng biết có gì không. Lại sợ hùm beo rắn rết chẳng dám đi bừa. có lần hỏi bố thì bố bảo chỗ nào quen rồi thì vào chỗ đó.
Không thoái hóa nhưng bị bóc lột nhiều, những bụi nứa khu rừng quen thuộc bé dần đi vì thòi cái măng nào là bị vặt cái ấy. Rừng trở nên còm cõi dần.

Một lần tôi rủ chị sang cánh rừng bên. Chị ngần ngại lắc đầu. Tôi đánh liều đi một mình. ChỊ bảo: liệu hồn. Nhưng tôi cứ đi!
Hôm ấy về tôi đèo theo giỏ dâu da, khế và một rọ to những trái bứa vàng khươm.
Người Tày có câu ngạn ngữ rất hay “có đi thì đến” , tôi thấy hay, chẳng kém gì câu của văn hào Lỗ Tấn: Lộ tại cước hạ (đường ở dưới chân mình).
Một chuyến đi vào khu rùng mới tôi đã chúng minh một phần câu tục ngữ dân giã và danh ngôn của họ Lỗ bằng việc dấn thân. Dù nhìn lại thì việc đó cỏn còn con. Đáng gì để khoe! Nhưng cũng đáng nói ra.

Nhưng nói như thế đẻ sang một chuyện khác, đó là chuyện của giới nghề nghiệp. Lâu nay tôi ít đi xem triển lãm, mặc dầu xem đồng nghiệp làm việc là việc tôi rất thích. Không những thêm hiểu biết mà còn là động lực cho tôi phấn chấn về làm việc.
Cách đây dăm năm, một đồng nghiệp khoe, đi xem triển lãm làm gì cho nó hỏng người. Tôi nhìn bạn tôi như nhìn con khỉ. Nhưng hóa ra con khỉ ấy tinh ranh hơn tôi.
Lâu nay xem nhiều triển lãm cá nhân có cái gì đó nhàn nhạt thiếu sức sống, không thấy sự đam mê hừng hực. Chỉ thấy sự cần cù của một lão nông mà không thấy bầu máu nóng của một nghệ sĩ.
Bí.
Rồi tôi dần nhận ra câu chuyện hái măng của mình thời thơ ấu. Mình lâu nay , và cả nhiều bạn bè mình quen chân vào một khu rừng, loanh quanh trong đó và thành quả là thế này đây.
Các cuộc vận động sáng tác vẫn như mọi khi: đề tài nông thôn, công nghiệp và quân đội. Hội Hà Nội thì thông báo triển lãm hằng năm ưu tiên đè tài Hà Nội. Chấm hết.
Tóm lại vẫn chỉ là cánh rừng ấy.
Bây giờ để tự do cũng không biết vào cánh rừng nào, chỗ nào cũng ngại
Tất nhiên mỗi nghệ sĩ đều có cách đi của mình. Cách của tôi là nhằm kiếm tiền nuôi gia đình, mục tiêu gần nên tạm ổn. Có những người vẽ theo cách làm thuê, nhận tì tiền đầu tư theo các cuộc vận động, cũng được chăng hay chớ, không lỗ vì đã được cấp tiền, nhưng chẳng lãi vi sản phẩm xong triển lãm thì xếp xó, chán thì mang ra bôi lại cái khác. Nhưng cái di hại thì lâu dài: Không tự chủ cho mình trong nghề, cứ phải đợi người khác nhóm bếp. Không khác gì câu ca dao bạc bẽo “Chồng người buông ngược bán xuôi/ chồng em ngồi bếp để buồi chấm gio”. Chán! Có người yên thân hẳn với chợ vỉa hè tôi lại thấy hay,. Thà là thế cho lành. Các galery của mình bây giờ cũng chỉ là chợ vỉa hè thôi.
Lớp trẻ lúi húi riêng sân nhưng cũng chưa thấy ló ánh sáng cuối đường hầm. Cũng vẫn đang tìm và mò. Có người chăm chú rỉa xác châu Âu, có người sang sân Tàu mới, goi là Mao pop đánh đu và hãnh diện vói tốc độ sản xuất cơ bắp. Có bạn bảo tôi ông đừng bi quan quá. Tôi bảo biết bi quan còn là may, còn là biết mình. Không biết bi quan mới là đáng sợ. Người ta bây giờ sẵn sàng cóp ảnh, dùng photosop xóa, cắt dán vụng về, vẽ sơn lên hoặc cho vào in máy xong đem triển lãm vẫn nhận đầu tư như ai. Tuy không phải tất cả nhưng số này không ít. Nó phản ánh sự bế tắc, sự bề bệt trong sáng tác. Khi người nghệ sĩ còn đứng ngã ba đường chưa biết đi ngả nào, tưởng bằng lòng với vài bức tranh hàng năm cho khỏi quên nghề nhưng thực ra đó là gác kiếm mà chưa chịu rửa tay thôi.

Ai cũng biết là căn phòng đồ cũ đầy mùi hôi, đầy đồ rung rúc, dùng tạm được mà vứt đi cũng được nhưng không biết dọn dẹp thế nào. Biết khu rừng mới có thể có nhiều cái hay nhưng chưa biết đi vào bằng đường náo. Lại cần người chỉ, nhưng người chỉ lại đưa tay về cánh rừng cũ theo thói quen. Họ cũng sợ rắn rết dù ở đó chắc đâu đã có. Thực ra nghệ thuật đã qua cái thời chỉ tay rồi, chỉ có trái tim nhận diện được lối đi nhưng tim lại thiếu máu và hay nghẽn máu cục bộ.
Cái khó cho mĩ thuật chúng ta là ở chỗ đó.
1/10/2011